CÁCH CHỐNG THẤM TƯỜNG GIÁP RANH KHI CÓ KHOẢNG HỞ

Nhà hàng xóm mới xây xong nhưng những trận mưa kéo dài gần đây khiến chủ nhà rất lo nước mưa có thể theo khoảng hở giữa hai tường gây thấm dột nhà.
Ngôi nhà này được xây trước, tường xây sát tường nhà hàng xóm nên không chống thấm tường phía ngoài được. Nhà hàng xóm xây sau, chừa khoảng hở cỡ 10 cm giữa hai tường nhà. Khi họ bắt đầu xây chủ nhà liên hệ nhờ quét chống thấm phía ngoài tường nhà mình trước khi xây vách và chấp nhận chịu chi phí. Nhưng họ lại quên không làm việc đó. Giờ nhà hàng xóm đã hoàn thành và mưa đang kéo dài, tôi rất lo lắng về việc nước mưa có thể theo khoảng hở gây thấm dột tường nhà. Vậy có cách nào chủ động thấm tường giáp ranh không?
Các chuyên gia trong ngành có những tư vấn để giải quyết như sau:
Cần làm rõ khái niệm về khoảng hở 10 cm vì dễ nhầm lẫn. Các công trình có chiều dài trên 50 m hoặc tường rào dài trên 50 m cần có khe hở về nhiệt (khe lún kỹ thuật) để tránh hiện tượng giãn nở gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Với nhà phố hoặc nhà ở dân dụng, chiều dài nhà và tường rào thường không quá 50 m nên không áp dụng khe lún kỹ thuật. Chính vì vậy, trong nhà phố hoặc nhà ở dân dụng, xây tường sát nhau giữa hai nhà là hợp lý nhất, vì vững chắc và chống thấm hiệu quả. Hàng xóm của bạn chừa khoảng hở 10 cm có thể do định vị ranh đất và hoàn toàn không liên quan đến khe lún kỹ thuật.
Với trường hợp trên, vì cả hai nhà đều đã xây dựng hoàn thiện nên sẽ có hướng giải quyết như sau:
Đầu tiên, chủ nhà nên sang nhà hàng xóm trao đổi thân tình và thẳng thắn về vấn đề cùng nhau phòng ngừa, khắc phục thấm. Với khoảng hở 10 cm như bạn mô tả, nhiều khả năng nhà hàng xóm cũng không quét chống thấm tường mặt ngoài vì không đủ không gian thi công. Chính vì vậy, tường giáp ranh của hai nhà có thể cùng bị thấm. Hàng xóm sẽ vui vẻ hợp tác vì đây là việc làm có lợi cho cả hai nhà.
Tiếp theo, gia chủ liên hệ đơn vị thi công, đơn vị chống thấm chuyên nghiệp hoặc cũng có thể tự mình thi công nếu đã có kinh nghiệm cơ bản trước đó.
Cách thi công, nguyên tắc là không để nước mưa lọt vào khoảng hở. Cách hiệu quả nhất là bịt kín mặt trên khoảng hở bằng tôn. Dùng tôn làm máng xối ở khoảng hở của hai nhà. Chiều máng xối chảy từ cao xuống thấp. Nếu nhà bạn cao hơn nhà hàng xóm, làm máng xối cho nước đổ từ nhà bạn sang nhà hàng xóm và ngược lại. Nếu hai nhà có chiều cao bằng nhau, có thể cho tôn nghiêng về bất kỳ nhà nào hoặc tạo tôn thành hình chóp nhọn ở giữa, cho nước đổ về cả hai nhà. Đục sâu chừng 2 cm ở tường gạch tiếp giáp với tôn. Đầu tôn ngâm trong tường gạch đã đục, sau đó bắn keo silicon ở tất cả mép tôn.
Sau thời gian sử dụng, nếu keo silicon bong tróc hoặc tôn cũ mục nát, bạn có thể gỡ ra và thay bằng tôn mới với thao tác như cũ. Nếu thi công cẩn thận, cả hai nhà có thể chống thấm trong khoảng 5 đến 7 năm. Cách làm này phức tạp hơn so với việc chỉ bắn keo silicon ở mép tôn nhưng có hiệu quả dài hơn.
Phần mặt tiền của khoảng hở, có thể dùng gạch xây kín. Lúc này, khoảng hở giữa hai nhà tương tự một hộp rỗng, ngăn ngừa mưa và hạn chế côn trùng, chuột bọ trú ẩn.
Hiện nay, có nhiều chất phụ gia hoặc vật liệu được ứng dụng trong chống thấm ngược. Tuy nhiên, chống thấm ngược thường dùng hiệu quả trong tầng hầm (những vị trí không thể quét chống thấm bên ngoài) và có bề mặt bê tông cốt thép. Với trường hợp tường gạch, hệ thống điện âm, nước mưa rơi xuống sẽ ngấm theo hệ thống điện, từ đó biểu hiện ra bề mặt tường. Chính vì vậy, chống thấm ngược không có tác dụng trong trường hợp này.
Tư vấn trên chỉ ứng dụng trong trường hợp chống thấm nước mưa ở khoảng hở giữa hai nhà đã xây dựng hoàn thiện, với các trường hợp và nguyên nhân thấm khác như thấm từ dưới đất lên, thấm nhà vệ sinh… sẽ áp dụng các giải pháp khác.
Theo Kỹ sư Trần Minh Huân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *